Đề số 8 ôn thi môn Tiếng Việt vào lớp 6 trường Hà Nội-Amsterdam

4/15/2023 12:01:00 AM

Thành ngữ nào sau đây có chữ “quyền” có nghĩa: quyền thì ít, trách nhiệm thì nặng?

  • Quyền cao chức trọng
  • Quyền rơm vạ đá
  • Quyền sinh quyền sát
  • Quyền huynh thế phụ.

Các câu văn trong đoạn văn sau được liên kết với nhau bằng cách nào?

Cái đẹp của Hạ Long trước hết là sự kì vĩ của thiên nhiên. Trên một diện tích hẹp mọc lên hàng nghìn đảo nhấp nhô khuất khúc như rồng chầu phượng múa. Đảo có chỗ sừng sững chạy dài như bức tường thành vững chãi ngăn khơi với lộng, nối mặt biển với chân trời. Có chỗ đảo dàn ra thưa thớt, hòn này với hòn kia biệt lập, xa trông như quân cờ bày chon von trên mặt biển. Tùy theo sự phân bố của đảo, mặt vịnh Hạ Long lúc tỏa ra mênh mông, lúc thu hẹp lại thành ao, thành vũng, lúc bị kẹp giữa hai triền đảo như một dòng suối, lúc uốn quanh chân đảo như một dải lụa xanh.

  • Lặp từ ngữ
  • Thế từ ngữ
  • Dùng từ ngữ nối
  • Lặp từ ngữ và dùng từ ngữ nối

Chủ ngữ của câu: “Từ trong biển lá xanh rờn đã bắt đầu ngả sang màu úa, ngát dậy một mùi hương lá tràm bị hun nóng dưới ánh mặt trời.” là:

  • Biển lá xanh rờn
  • Lá tràm
  • Một mùi hương lá tràm
  • Một mùi hương lá tràm bị hun nóng dưới ánh mặt trời

Tác dụng của dấu hai chấm trong đoạn thơ sau là gì?

Chiều đi học về

Chúng em đi qua ngôi nhà xây dở

Giàn giáo tựa cái lồng che chở

Trụ bê tông nhú lên như một mầm cây

Bác thợ nề còn huơ huơ cái bay:

Tạm biệt!

  • Báo hiệu bộ phận đứng sau nó là lời nói của một nhân vật.
  • Báo hiệu bộ phận đứng sau nó giải thích cho bộ phận đứng trước.
  • Báo hiệu sự xuất hiện của những từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt.
  • Cả đáp án 1 và đáp án 3

Từ nào không thuộc đồng nghĩa với các từ còn lại?

  • Bổn phận
  • Trách nhiệm
  • Địa phận
  • Nghĩa vụ

Nhận định nào dưới đây đúng?

  • Các từ “long lanh”, “óng ánh”, “khôn khéo” là các từ láy.
  • Các từ “ẩm ướt”, “tươi tốt”, “cẩn thận” là các từ ghép.
  • Các từ “tôm cá”, “nhảy dây”, “sách vở” là ghép tổng hợp.
  • Các từ “phẳng lì”, “bằng phẳng”, “phẳng lặng” là ghép phân loại.

Cách nối vế nào không được sử dụng trong câu dưới đây: “Nắng trưa đã rọi xuống đỉnh đầu mà rừng sâu vẫn ẩm lạnh, ánh nắng lọt qua lá trong xanh.”

  • Nối bằng quan hệ từ
  • Nối bằng cặp từ hô ứng
  • Nối bằng dấu phẩy
  • Nối bằng dấu phẩy và quan hệ từ

Cho đoạn văn sau:

   (1)Thoắt cái, lác đác lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. (2) Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. (3) Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý.

                                                                                                           (Nguyễn Phan Hách)

Ý nào sau đây không phải là tác dụng của việc lặp lại cụm từ “thoắt cái” trong đoạn văn trên?

  • Làm nổi bật sự thay đổi nhanh chóng, bất ngờ, đột ngột của thiên nhiên, thời tiết Sa Pa.
  • Liên kết các câu (2), (3) với câu (1).
  • Nhấn mạnh cảm giác ngỡ ngàng, ngạc nhiên của tác giả trước những biến ảo đột ngột nhưng thật đẹp đẽ, kì diệu của thiên nhiên, cảnh vật Sa Pa.
  • Làm nổi bật tình yêu và sự gắn bó sâu sắc của tác giả với mảnh đất Sa Pa đẹp đẽ - món quà kì diệu mà thiên nhiên trao tặng cho đất nước.

Đọc đoạn thơ sau và cho biết:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng

Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào, của ai?

Trong hai câu trên, từ “mặt trời” nào mang nghĩa gốc và “mặt trời” nào mang nghĩa chuyển? Chỉ ra sự khác nhau giữa hai hình ảnh mặt trời trong hai câu.

 

Tác giả muốn diễn tả điều gì qua câu: “Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng” ?

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Những con sếu bằng giấy

Ngày 16-7-1945, nước Mĩ chế tạo được bom nguyên tử. Hơn nửa tháng sau, chính phủ Mĩ quyết định ném cả hai quả bom mới chế tạo xuống Nhật Bản.

Hai quả bom ném xuống các thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki đã cướp đi mạng sống của gần nửa triệu người. Đến năm 1951, lại có thêm gần 100 000 người ở Hi-rô-si-ma bị chết do nhiễm phóng xạ nguyên tử.

Khi Hi-rô-si-ma bị ném bom, cô bé Xa-xa-cô Xa-xa-ki mới hai tuổi đã may mắn thoát nạn. Nhưng em bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau, em lâm bệnh nặng. Nằm trong bệnh viện nhẩm đếm từng ngày còn lại của đời mình, cô bé ngây thơ tin vào một truyền thuyết nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh. Em liền lặng lẽ gấp sếu. Biết chuyện, trẻ em toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới đã tới tấp gửi hàng nghìn con sếu giấy đến cho Xa-xa-cô. Nhưng Xa-xa-cô chết khi em mới gấp được 644 con.

Xúc động trước cái chết của em, học sinh thành phố Hi-rô-si-ma đã quyên góp tiền xây một tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Trên đỉnh tượng đài cao 9 mét là hình một bé gái giơ cao hai tay nâng một con sếu. Dưới tượng đài khắc dòng chữ: "Chúng tôi muốn thế giới này mãi mãi hòa bình".

Theo NHỮNG MẨU CHUYỆN LỊCH SỬ THẾ GIỚI

 

Theo em đoạn cuối trong câu chuyện bày tỏ nguyện vọng gì của các bạn nhỏ ở thành phố Hi-rô-si-ma?

Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhân vật cô bé Xa-xa-cô Xa-xa-ki có trong câu chuyện trên.

Đọc đoạn văn dưới đây:

(1)Con gà nào cất lên một tiếng gáy. (2)Và ở góc vườn, tiếng cục tác làm nắng trưa thêm oi ả, ngột ngạt. (3)Không một tiếng chim, không một sợi gió. (4)Cây chuối cũng ngủ, tàu lá lặng đi như thiếp vào trong nắng. (5)Đường làng vắng ngắt. (6)Bóng tre,bóng duối cũng lặng im. 

(7)Ấy thế mà mẹ phải vơi vội cái nón cũ, đội lên đầu, bước vào trong nắng, ra đồng cấy nốt thủa ruộng chưa xong.

(8)Thương mẹ biết bao nhiêu, mẹ ơi!

(Nắng trưa - Băng Sơn)

Trong đoạn văn trên, câu cuối thuộc kiểu câu nào xét theo mục đích nói?

  • Câu cầu khiến
  • Câu cảm thán
  • Câu nghi vấn

Câu 4 và 6 (theo thứ tự) thuộc kiểu câu nào xét theo cấu tạo ngữ pháp?

  • Câu ghép và câu đơn
  • Câu đơn và câu ghép
  • Câu ghép và câu phức
  • Câu đơn và câu phức

Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu số 2, 4.

Cảnh vật và âm thanh trong đoạn trên gợi ra khung cảnh buổi trưa như thế nào?

Viết đoạn văn 8 - 10 câu cảm nhận về đoạn văn trên.