Đề thi thử vào 6 môn Tiếng Việt trường Lương Thế Vinh năm 2024 - Lần 3

3/11/2022 8:54:00 PM

Đề thi thử vào 6 môn Tiếng Việt trường THCS Lương Thế Vinh được biên soạn theo cấu trúc đề thi của trường, giúp học sinh đánh giá năng lực và chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi năm 2024-2025.

Học sinh chưa mua gói Luyện đề 3 môn vào 6 NTT, LTV vẫn xem được giải thích đáp án chi tiết.

Từ nào không cùng nhóm với các từ còn lại?

  • Dềnh dàng
  • Tưởng tượng
  • Tâm tư
  • Phấn chấn

Phần gạch chân trong câu: “Những con sóng bạc đầu, lấp lánh đuổi nhau dưới ánh nắng ban mai.” làm rõ nghĩa cho từ ngữ nào dưới đây?

  • Con sóng
  • Bạc đầu
  • Đuổi nhau
  • Ánh nắng

Xét về mặt từ loại, nhóm từ “trung kiên, trung nghĩa, trung bình” có điểm gì chung?

  • Đều là tính từ
  • Đều là động từ
  • Đều là danh từ
  • Đều là quan hệ từ

Đọc đoạn văn sau và cho biết trong đoạn văn có bao nhiêu từ láy?

“Mùa hoa bằng lăng nở rộ cũng chính là mùa ong đi lấy mật. Đi dưới rừng bằng lăng, không những con người thấy thoải mái vì hương thơm của hoa mà còn cảm giác mát mẻ bởi những bầy ong đang san đàn, bay ào ạt, vi vu hết lúc này, lúc khác, như gió nổi.”

  • 3 từ láy
  • 4 từ láy
  • 5 từ láy
  • 6 từ láy

Xác định chủ ngữ trong câu: “Những hồ chứa nước xanh trong giống như những chiếc gương khổng lồ từ thời đại xa xưa để lại.”

  • Những hồ
  • Những hồ chứa nước
  • Những hồ chứa nước xanh trong
  • Những hồ chứa nước xanh trong giống như những chiếc gương

Câu nào dưới đây không có trạng ngữ chỉ thời gian?

  • Vào mùa xuân, khi các trảng cỏ đã xanh óng ả dưới ánh nắng mặt trời, đó là mùa thi tài của các loài sơn cầm, dã thú.
  • Buổi sáng sớm của cao nguyên, sau những cơn mưa đầu mùa, cây cối như đang lử lả vì trải qua gần sáu tháng ròng chang chang nắng lửa, bỗng tươi tắn hẳn lại.
  • Nhưng đến bình minh, ánh dương vừa lên phá tan sương mù treo trên đụn cát, biến chúng thành muôn vàn ánh cầu vồng.
  • Đó là một ngọn đèn xoay, nó lóe sáng như một ngôi sao sáng rực rỡ trong buổi chiều tà. (L.M.Montgomery)

Câu nào sau đây là câu ghép có cặp quan hệ từ chỉ quan hệ tăng tiến?

  • Trời chưa sáng hẳn, các bác nông dân đã ra đồng.
  • Trời càng nắng gắt, hoa giấy càng bồng lên sặc sỡ.
  • Hồng nhung không chỉ đẹp mà loài hoa này còn rất thơm.
  • Anh ấy không chỉ thông minh mà còn tốt bụng.

Câu nào sau đây không phải là câu ghép?

  • Gió nhẹ, trời trong xanh, nắng ấm áp, làn gió nghịch ngợm lướt qua đồng cỏ và vườn cây.
  • Khi họ lao vào bếp thì ánh sáng đã tắt lịm như bị thổi bay đi; đám mây khủng khiếp che khuất mặt trời, bóng tối bao trùm khắp nơi như thể đang lúc chiều muộn.
  • Những buổi bình minh đẹp trời trên Trường Sơn, khi ánh nắng đang cuốn dần những tầng mây về cuối chân trời để lộ ra khoảng trời cao lồng lộng của đồng cỏ cao nguyên miền tây này, người ta chỉ nghe thấy tiếng chim kêu rộn rã, vượn hót gọi bầy líu lo ven suối.
  • Đôi mắt con bé trở nên sâu thẳm và lấp lánh như sao mai, khuôn mặt ửng hồng hi vọng.

Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong đoạn văn: “Và, trên tất cả là những đám mây trắng tuyết như một rặng núi hùng vĩ trên bầu trời phía Nam."

  • Nhân hóa
  • So sánh
  • Điệp ngữ
  • Chơi chữ

Đọc câu sau và cho biết:

“Bốn xung quanh đâu đấy đều tươi non, xanh rờn, tiếng họa mi thánh thót đáp lời nhau dịu dàng và rành rọt ở góc vườn.” (Ivan Bunin)

Dòng nào dưới đây không phải tác dụng của phép nhân hóa trong câu trên?

  • Phép nhân hóa làm cho câu văn hay, giàu sức gợi hơn.
  • Phép nhân hóa gợi tả những chú chim hiện lên thật có hồn như những con người đang nhẹ nhàng trò chuyện.
  • Phép nhân hóa cho thấy thế giới thiên nhiên trên trang văn thật sống động, đáng yêu và gần gũi.
  • Phép nhân hóa gợi ra khung cảnh thiên nhiên tươi vui với cây cối xanh rờn, tràn đầy sức sống.

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Ngọn đèn biển

Cửa Nhật Lệ đêm đêm

Sáng ngời ngọn đèn biển

Đèn soi nước triều lên

Gọi con thuyền về bến.

Đêm mưa sao lẩn trốn

Đèn vẫn sáng lưng trời

Như mắt ai chờ đợi

Nhấp nháy hoài không thôi

THEO NGUYỄN VĂN DINH

Nêu các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ thứ hai của đoạn thơ trên.

Phép so sánh trong câu thơ trên gợi tả ngọn đèn biển như thế nào?

Viết đoạn văn 5 – 7 câu cảm nhận của vẻ đẹp của hình ảnh ngọn đèn biển trong đoạn thơ trên.

Hạt thóc giống

Thuở xưa có một ông vua cao tuổi mà không có con cái nên muốn tìm người nối ngôi. Vua ra lệnh phát cho mỗi người dân một thúng thóc về gieo và giao hẹn: Ai thu được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi và ai không có thóc sẽ bị trừng phạt.

Ở làng nọ có chú bé tên là Chôm mồ côi cha mẹ. Cậu cũng đi nhận thóc về và cố chăm sóc mà không một hạt thóc nào nảy mầm. Đến vụ thu hoạch, mọi người chở thóc về kinh đô thu nộp cho nhà vua. Chôm lo lắng, đến trước vua quỳ tâu:

- Tâu bệ hạ! Con không làm sao cho thóc của người nảy mầm được.

Mọi người sững sờ trước lời thú tội của Chôm, phen này sẽ bị phạt nặng nhưng nhà vua đã đỡ chú bé dậy, ôn tồn nói:

- Trước khi phát thóc giống, ta đã cho luộc kĩ rồi. Lẽ nào chúng còn nảy mầm được sao? Những xe thóc đầy ắp kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta.

Rồi nhà vua dõng dạc tuyên bố:

- Trung thực là đức tính quý nhất của con người. Ta sẽ truyền ngôi cho chú bé trung thực và dũng cảm này.

(Nguồn: Sưu tầm Internet)

Em hãy kể lại câu chuyện “Hạt thóc giống” bằng lời của nhân vật cậu bé Chôm.