Đề ôn thi số 6 môn Tiếng Việt vào lớp 6 trường Archimedes

3/11/2022 6:38:28 PM

Cho đoạn thơ sau:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng, thềm nắng lá rơi đầy

(Đất nước - Nguyễn Đình Thi)

Hình ảnh "Người ra đi đầu không ngoảnh lại" trong đoạn thơ trên gợi ra điều gì?

  • Hình ảnh “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” gợi ra những người lính ra đi mà mãi mãi không quay trở lại.
  • Hình ảnh “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” cho ta thấy những người ra đi thật dứt khoát và đầy quyết tâm, ra đi không lưu luyến ngoảnh lại.
  • Hình ảnh “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” cho ta thấy biết bao lưu luyến, bịn rịn của những người ra đi chia xa thành phố.
  • Cả 1 và 3.

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

"Em yêu màu nâu

 Áo mẹ sờn bạc

Đất đai cần cù

Gỗ rừng bát ngát."

Những hình ảnh mang màu nâu giản dị như: "áo mẹ sờn bạc", "đất đai cần cù", "gỗ rừng bát ngát" gợi tả cho em điều gì?

  • Gợi tả đất nước với những con người mạnh mẽ, dũng cảm và với vẻ đẹp kì vĩ, tráng lệ của thiên nhiên.
  • Gợi tả đất nước bình dị với con người hiền hòa, chăm chỉ và thiên nhiên đa dạng, phong phú.
  • Gợi tả đất nước với thiên nhiên dữ dội và con người vất vả, nhọc nhằn.
  • Gợi tả sự nghèo khổ, vất vả của những người nông dân.

Dòng nào dưới đây là tục ngữ?

  • Một nắng hai sương
  • Thức khuya dậy sớm
  • Vào sinh ra tử
  • Lá lành đùm lá rách

Phép so sánh trong câu thơ sau gợi cho em cảm nhận điều gì ?

"Trường Sơn: chí lớn ông cha

Cửu Long : lòng mẹ bao la sóng trào" (Lê Anh Xuân)

  • Gợi tả vẻ tình cảm yêu thương gắn bó của những người thân thiết trong gia đình.
  • Gợi tả tình yêu của tác giả với quê hương đất nước.
  • Gợi tả vẻ đẹp bình dị, mộc mạc nhưng giàu lòng yêu thương của con người Việt Nam.
  • Gợi tả chí lớn của ông cha vững vàng không gì có thể lay chuyển được như dãy Trường Sơn và lòng yêu thương bao la, vô bờ bến của người mẹ như nước dòng Cửu Long không bao giờ vơi cạn.

Câu nào dưới đây là câu đơn?

(1) Dòng sông mùa lũ cuồn cuộn chảy như những con ngựa tung bờm phi nước đại.

(2) Con đường còn ngập nắng và hàng me cao rọi bóng hắt tạt vào dãy nhà những bụi hương xanh.

(3) Buổi sáng sớm của cao nguyên, sau những cơn mưa đầu mùa, cây cối như đang lử lả vì trải qua gần sáu tháng ròng chang chang nắng lửa bỗng tươi tắn hẳn lại.

(4) Ngoài kia, biển lung linh, xanh biếc, từng chú chim hải âu chao liệng với đôi cánh óng ánh như bạc dưới ánh nắng mặt trời. 

  • (1), (3)
  • (2), (4)
  • (3), (4)
  • (1), (4)

Câu văn sau có bao nhiêu cụm chủ - vị?

"Khi những tai thỏ xoè ra thành vài ba chiếc lá nhỏ, cây bàng nảy thêm một lứa lộc lần thứ hai màu đỏ đọt giữa những chùm lá; tán bàng bây giờ là một màu áo lục non lỗ đỗ những vệt hoa hồng thắm." (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

  • 1 cụm chủ - vị
  • 2 cụm chủ - vị
  • 3 cụm chủ - vị
  • 4 cụm chủ - vị

Câu nào dưới đây chứa từ "chân" không dùng theo nghĩa chuyển?

  • Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. (Nguyễn Tuân)

  • Ông bị đau chân

    Nó sưng nó tấy

    Đi phải chống gậy.

  •     Cỏ non xanh tận chân trời

    Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

  • Chân mây, mặt đất một màu xanh xanh.

Tác dụng của dấu hai chấm trong câu sau là gì?:

"Ngoài cảnh rừng sâu và núi cao, núi Bà Đen còn chứa bao nhiêu là kì quan và di tích: nào gót chân Phật trên thạch bàn; nào suối vàng, hang gió; nào điện, cảnh cổ kính, uy nghi."  (Thẩm Thệ Hà)

  • Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời giải thích cho bộ phận đứng trước
  • Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời nói của nhân vật
  • Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê
  • Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đoạn đối thoại

Tìm từ có tiếng "chí" khác với tiếng "chí" trong các từ còn lại.

  • Chí hướng
  • Chí lí
  • Quyết chí
  • Ý chí

Nhóm từ nào dưới đây gồm toàn các từ đồng nghĩa với nhau?

  • Nhân dân, quần chúng, chúng ta
  • To lớn, to đùng, khổng lồ
  • Ẩm thấp, ẩm ướt, mốc meo
  • Béo múp, béo phì, phì phò

Cho đoạn văn sau:

"Ngày 16-7-1945, nước Mĩ chế tạo được bom nguyên tử. Hơn nửa tháng sau, chính phủ Mĩ quyết định ném cả hai quả bom mới chế tạo xuống Nhật bản. Hai quả bom ném xuống các thành phố Hi-rô-si-ma và Na-Ga-Xa-Ki đã cướp đi mạng sống của gần nửa triệu người. Đến năm 1951, lại có thêm gần 100 000 người ở Hi-rô-si-ma bị chết do nhiễm phóng xạ nguyên tử." (Theo Những mẩu chuyện lịch sử thế giới)

Những danh từ riêng nào bị viết sai quy tắc trong đoạn trên?

  • Nhật bản, Na-Ga-Xa-Ki
  • Nhật bản, Na-Ga-Xa-Ki, Hi-rô-si-ma
  • Mĩ, Nhật bản, Na-Ga-Xa-Ki, Hi-rô-si-ma
  • Mĩ, Hi-rô-si-ma

Dòng nào chưa thực hiện đúng quy tắc sử dụng dấu câu?

  • Thật đáng xấu hổ! Có phá hết các vòng vây đi không? (Tô Hoài)
  • Ngày xưa, ở thung lũng kia, có hai mẹ con cô bé sống trong một túp lều.
  • Một buổi chiều, ông nói với mẹ An-đrây-ca, "Bố khó thở lắm!..." (Xu Khôm Lin-xki)
  • Anh mừng cho các em vui Tết Trung thu độc lập đầu tiên và anh mong ước ngày mai đây, những tết Trung thu tươi đẹp hơn nữa sẽ đến. (Thép Mới)

Phép so sánh trong câu: "Dưới ánh nắng chói chang của vừng mặt trời tháng Tư, nước lấp loáng như vẩy cá bạc." thuộc loại so sánh nào dưới đây?

  • So sánh người với người
  • So sánh vật với vật
  • So sánh vật với người
  • So sánh cái cụ thể với cái trừu tượng

Phép nhân hóa trong hai câu thơ sau đã gợi ra điều gì về cây tre?

"Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm"

  • Phép nhân hoá đã gợi ra hình ảnh cây tre giống như người dũng sĩ có tư thế đẹp đẽ, hiên ngang đang đứng canh gác và bảo vệ quê hương.
  • Phép nhân hóa đã gợi tả hình ảnh đẹp đẽ của cây tre, tre hiện lên như một người mẹ lam lũ, tảo tần sẵn sàng hi sinh bản thân mình để dành những điều tốt đẹp nhất cho con.
  • Phép nhân hóa đã gợi tả hình ảnh đẹp đẽ của những cây tre, chúng biết che chở, đùm bọc nhau trong giông bão cuộc đời. Cây cối vạn vật dường như cũng biết thương yêu, biết chia sẻ và gắn kết sâu sắc với nhau.
  • Phép nhân hóa đã gợi tả hình ảnh khỏe khoắn của những cây tre, chúng giống như những người chiến sĩ dũng cảm, luôn xung phong bảo vệ quê hương, đất nước.

Loại một từ không thuộc nhóm sau: “hòa bình, thanh bình, thái bình, bình thản”.

  • Hòa bình
  • Thái bình
  • Thanh bình
  • Bình thản

Phép nhân hóa trong đoạn văn sau để tả đối tượng nào dưới đây?:

"Mặt trời đã xế bóng ngang các sườn đồi nhưng tôi cảm thấy hình như còn chần chừ không muốn lặn, còn muốn nhìn tôi. Ánh mặt trời tô điểm con đường tôi đi: mặt đất rắn mùa thu trải ra dưới, chân tôi nhuộm thành màu đỏ, màu hồng, màu tím." (Ai-ma-tốp)

  • mặt đất
  • mặt trời
  • con đường
  • sườn đồi

Đọc đoạn sau và cho biết:

"Em vươn vai đứng dậy

Trái Đất đã xanh rồi

Giữa biêng biếc mây trời

Tiếng chim vui ngọt quá

Quàng khăn xanh biển cả

Khoác áo thơm hương rừng

Trái Đất mang trên lưng

Những đứa con của đất" (Nguyễn Lãm Thắng) 

Theo em hành động "quàng khăn xanh biển cả""khoác áo thơm hương rừng" là của:

  • Mây trời
  • Biển cả
  • Trái đất
  • Khu rừng

Xét về mặt từ loại, từ “vòm” trong câu: “Đi dưới rừng câu sau sau, tưởng như đi dưới một vòm lá lợp đầy những ngôi sao xanh.”  là:

  • Danh từ
  • Động từ
  • Tính từ
  • Kết từ

Trong các thành ngữ sau đây, thành ngữ nào không chứa cặp từ trái nghĩa?

  • Lên thác xuống ghềnh
  • Khôn nhà dại chợ
  • Ăn không nói có
  • Mưa to gió lớn

Trong số những từ "lòa xòa, lủng lẳng, lấp lánh, loạt soạt", từ nào không cùng nhóm với các từ còn lại?

  • Lòa xòa
  • Lủng lẳng
  • Lấp lánh
  • Loạt soạt

Cho các câu:

(1) Những mầm lá mới nảy chưa có màu xanh, mang màu nâu hồng trong suốt. 

(2) Những cây sau sau đã ra lá non.

(3) Ánh mặt trời chiếu qua tán lá xuống như một ánh đèn xanh dịu. 

(4) Những lá lớn hơn xanh mơn mởn. 

(5) Đi dưới rừng cây sau sau, tưởng như đi dưới một vòm lá lợp đầy những ngôi sao xanh.

(6) Mùa xuân đã đến thật rồi với cơn gió ấm áp.

Hãy sắp xếp lại trình tự các câu để tạo ra một đoạn văn hoàn chỉnh.

  • 6 - 2 - 4 - 1 - 5 - 3
  • 6 - 1 - 2 - 4 - 5 - 3
  • 2 - 6 - 1 - 4 - 5 - 3
  • 6 - 2 - 1 - 4 - 5 - 3

Dòng nào dưới đây chỉ gồm các từ đa nghĩa?

  • đồng thanh, tượng đồng, cánh đồng, mục đồng
  • đường dây, đường giao thông, dẫn đường, đường truyền
  • mênh mông, rộng lớn, bao la, bát ngát
  • nhẹ nhàng, nặng nề, to lớn, nhỏ bé

Câu văn nào dưới đây không có kết từ (quan hệ từ)?

  • Thảo quả trên rừng Đản Khao đã vào mùa.
  • Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân.
  • Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.
  • Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.

Cách diễn đạt nào sau đây không cần thiết phải sử dụng kết từ?

  • Bài hát của cô gái
  • Xem phim ở rạp
  • Giỏi về văn
  • Nhanh như gió

Cặp từ nào sau đây có thể điền vào chỗ … để có tục ngữ hoàn chỉnh?

Khoai đất ..., mạ đất ...

  • nhỏ - to
  • lạ - quen
  • hẹp - rộng
  • xấu - tốt

Chỉ ra bộ phận vị ngữ trong câu:

"Cả dòng sông, cả cánh rừng, cả những tàu dừa ngả xuống nước, cả những bông sen đang e ấp cũng đang nhuốm bạc, cũng vùng vẫy trong suối vàng vô tận, lấp lánh."

  • Cũng đang e ấp
  • Cũng đang nhuốm bạc
  • Cũng vùng vẫy trong suối vàng vô tận, lấp lánh
  • Cũng đang nhuốm bạc, cũng vùng vẫy trong suối vàng lấp lánh.

Câu ghép nào dưới đây không dùng cặp từ hô ứng để nối các vế?

  • Trời càng nắng gắt, hoa giấy càng bồng lên rực rỡ.
  • Thuyền vừa cập bến, bọn trẻ con đã xúm lại.
  • Không những trẻ em thích xem Tây Du Kí mà người lớn cũng rất thích xem.
  • Nắng vừa nhạt, sương đã buông xuống trên mặt biển.

Câu "Tuy ông Đỗ Đình Thiện hết lòng ủng hộ cách mạng nhưng ông không hề đòi hỏi một sự đền đáp nào." được nối với nhau bằng cách nào?

  • Nối bằng dấu câu
  • Nối bằng cặp kết từ
  • Nối bằng một kết từ
  • Nối bằng cặp từ hô ứng

Chỉ ra các phép liên kết câu được sử dụng trong đoạn văn:

"Bác thợ rèn cao lớn, cao lớn nhất vùng, vai cuộn khúc, cánh tay ám đen khói lửa lò và bụi búa sắt. Bác có đôi mắt lọt trong khuôn mặt vuông vức dưới rừng tóc rậm dày, đôi mắt trẻ to, xanh, trong ngời như thép. Quai hàm bạnh của bác rung lên với những tràng cười. Những tiếng thở rền vang như ngáy, giống như nhịp thở phì phò của ống bễ… Tôi được ngắm bác thợ rèn lần đầu vào một buổi chiều thu. Bác đang rèn một lưỡi cày. Áo sơ-mi phanh ra để lộ bộ ngực lực lưỡng mà mỗi hơi thở làm hằn lên những chiếc sườn của cái lồng ngực như bằng sắt ấy. Bác ngửa người ra sau lấy đà rồi giáng búa xuống. Và cứ thế, luôn luôn như thế không lúc nào dừng, thân hình bác lắc lư, uyển chuyển dưới sức thúc đẩy mãnh liệt của các cơ bắp." (Ê-min Dô-la)

  • Lặp từ ngữ, thay thế từ ngữ
  • Lặp từ ngữ, dùng từ ngữ nối
  • Thay thế từ ngữ, dùng từ ngữ nối
  • Lặp từ ngữ, thay thế từ ngữ, dùng từ ngữ nối

Đoạn nào dưới đây liên kết câu bằng cách lặp từ ngữ?

  • Sương đã tan hết và mặt trời nhô khỏi tấm chăn trắng như bông của biển mây phương đông. Mặt trời cũng trắng như nhúng sữa. Dần dần, màu trắng của mặt trời chói chang hơn và ánh nắng chiếu xuống mặt đất cũng ấm nóng hơn. (Dương Thu Hương)
  • Trong khu vườn bên dưới là những cây tử đinh hương nở hoa tím biếc. Mùi hương ngọt ngào say lòng của chúng theo làn gió sớm trôi vào cửa sổ. (L. M. Montgomery)
  • Mãi góc trời phía bắc có một đám mây. Đám mây nhỏ xíu trong bầu trời chói chang mênh mông. Nhưng nó vẫn là một đám mây và in một vệt bóng mát lên đồng cỏ. (Laura Wilder)
  • Cả câu 1 và câu 3.

Chọn từ viết chưa đúng:

  • Nguệch ngoạc
  • Ngoằn ngèo
  • Khúc khuỷu
  • Bâng khuâng

Thành ngữ nào dưới đây có từ viết sai chính tả?

  • Đều như vắt chanh.
  • Tai vách mạch dừng.
  • Ăn thủng nồi trôi rế.
  • Cả 3 đáp án trên đều có từ viết sai chính tả.

Dòng nào sau đây bao gồm toàn những từ viết đúng chính tả?

  • Trân trọng, dơ ráy, gian hàng, nóng ran, gian giảo
  • Ranh ma, trân thành, chung thủy, ríu rít, rơm rớm
  • Chưng bày, triển lãm, bành trướng, nhút nhát, dịu dàng
  • Hoan hỉ, xôn xao, nhu nhược, xứ sở, đối xứng

Từ nào dưới đây viết sai quy tắc viết tên người nước ngoài?

  • Xu Khôm Lin-xki
  • Tuốc-ghê-nhép
  • La phông-ten
  • Phri-đích Ăng-ghen

Dòng nào dưới đây viết đúng quy tắc viết hoa tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử, truyền thuyết?

  • Vua Hùng, Đinh Tiên Hoàng, Ông Gióng, Trạng Trình, Bác Hồ, Bà Trưng
  • vua Hùng, Đinh Tiên Hoàng, Ông Gióng, trạng Trình, Bác Hồ, Bà Trưng
  • Vua Hùng, Đinh Tiên Hoàng, ông Gióng, trạng Trình, Bác Hồ, Bà Trưng
  • Vua Hùng, Đinh Tiên Hoàng, ông Gióng, trạng Trình, Bác Hồ, bà Trưng

Có bao nhiêu từ chỉ được cấu tạo bởi 1 tiếng trong hai câu thơ sau?

"Bên hồ ngọn Tháp Bút

Viết thơ lên trời cao"

  • 6 từ
  • 7 từ
  • 8 từ
  • 9 từ

Nhận định nào dưới đây là đúng?

  • Tiếng “cuốn” có âm đầu là “c”, vần là “uốn”, thanh sắc.
  • Tiếng “bó” có âm đầu là “b”, vần là “o”, thanh sắc.
  • Tiếng “cuộn” có âm đầu là “c”, vần là “uộn”, thanh nặng.
  • Tiếng “buộc” có âm đầu là “b”, vần là “uộc”, thanh nặng.

Trường hợp nào dưới đây không phải là một từ?

  • Bình bầu
  • Lom khom
  • Lung linh
  • Học giỏi

Từ gạch chân nào dưới đây là động từ chỉ trạng thái?

  • Những bông hoa đua nhau khoe sắc thắm dưới sương sớm và bình minh lấp lánh, rạng ngời.

  • Gió thổi vi vút trên nhưng cành vân sam buổi tối.

  • Cô gái treo trên tường những khung ảnh kỉ niệm của một thời thanh xuân tươi đẹp.

  • Chiếc áo được bà thêu từng đường chỉ, nét hoa mềm mại.

Dựa vào từ loại, loại một từ không thuộc nhóm:

  • Khéo léo
  • Không khí
  • Khẳng khiu
  • Khấp khểnh

Từ "sâu" trong câu nào dưới đây mang nghĩa "có độ sâu lớn hơn mức bình thường"?

  • Tiếng lích chích chim sâu trong lá.

  • Con sâu làm rầu nồi canh.

  • Ăn kĩ no lâu, cày sâu tốt lúa.

  • Sâu răng sữa là một bệnh rất phổ biến ở trẻ em.

Đoạn văn sau có bao nhiêu câu khiến?

"Mặt trời đã xế bóng ngang các sườn đồi nhưng tôi cảm thấy dường như còn chần chừ không muốn lặn, còn muốn nhìn tôi. Ánh mặt trời tô điểm con đường tôi đi: mặt đất rắn mùa thu trải qua dưới chân tôi nhuộm thành màu đỏ, màu hồng, màu tím. Từng cụm bông lau khô vun vút bay hai bên như những tia lửa lập loè. Mặt trời rọi lửa lên những chiếc cúc mạ bạc trên tấm áo đầy mụn vá tôi mặc. Hay tôi cứ chạy đi, trong lòng hoan hỉ nói với đất trời, với gió mây: "Hãy nhìn tôi đây! Hãy nhìn xem tôi đang kiêu hãnh chừng nào! Tôi sẽ học hành, tôi sẽ đến trường và sẽ dẫn các bạn khác đến." (Ai - ma - tốp)

  • 4
  • 3
  • 2
  • 1

Dấu chấm lửng (dấu ba chấm) trong câu văn sau có tác dụng gì ?

"Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, ..."

  • Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.
  • Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm.
  • Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết.
  • Cả 1 và 3.

Những đại từ nào xuất hiện trong đoạn văn sau?

"Thế là chúng tôi đi trẩy hội theo Chuồn Chuồn. Họ bay trên không. Chúng tôi đi dưới. Đôi lúc khoái chí tôi cũng cất cánh bay chơi một quãng. Trên đường còn gặp vô khối khách nô nức trẩy hội. Vui lắm!"

  • Chúng tôi, tôi, Chuồn Chuồn
  • Chúng tôi, họ, khách
  • Chúng tôi, tôi, hội
  • Chúng tôi, họ, tôi

Từ "bất cẩn" trong câu: "Sau cuộc đua thứ nhất, thỏ nhận ra rằng nó thua vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỉ luật." có nghĩa là gì?

  • Thiếu lịch sự và văn minh khi làm việc.
  • Không cẩn thận, vô ý.
  • Tỏ ra không cần để ý gì đến, thế nào cũng mặc.
  • Khăng khăng giữ ý kiến của mình, không chịu thay đổi.

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi.

CHIẾC CHẬU NỨT

Một người có hai cái chậu lớn để khuân nước. Một trong hai cái chậu có vết nứt, vì vậy khi khuân nước từ giếng về, nước trong chậu chỉ còn một nửa. Chiếc chậu còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình còn chiếc chậu nứt luôn bị cắn rứt vì không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Một ngày nọ, chiếc chậu nứt nói với người chủ: "Tôi thật xấu hổ về mình. Tôi muốn xin lỗi ông!"

- "Ngươi xấu hổ về chuyện gì?"

- "Chỉ vì lỗi của tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức của ông!"

- "Không đâu, khi đi về ngươi hãy chú ý đến những luống hoa bên vệ đường."

Quả thật, dọc bên vệ đường là những luống hoa rực rỡ. Cái chậu nứt cảm thấy vui vẻ một lúc nhưng rồi về đến nhà nó vẫn còn chỉ phân nửa nước.

- "Tôi xin lỗi ông!"

- "Ngươi không chú ý rằng hoa chỉ mọc bên này đường, phía của ngươi thôi sao? Ta đã biết được vết nứt của ngươi và đã tận dụng nó. Ta gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phía bên ngươi và trong những năm qua, ngươi đã vun tưới cho chúng. Ta hái những cành hoa đó để trang hoàng căn nhà. Nếu không có ngươi, nhà ta sẽ không ấm cúng và duyên dáng như thế này đâu."

Mỗi con người chúng ta đều như cái chậu nứt. Hãy tận dụng vết nứt của mình.

(Sưu tầm)

Vết nứt của chiếc chậu biểu trưng cho:

  • Những sai lầm trong cuộc đời mỗi con người
  • Nhân cách của con người
  • Những khiếm khuyết của con người
  • Những lần vấp ngã trong cuộc sống

Nhận định nào dưới đây về luống hoa trong câu chuyện là đúng?

  • Những luống hoa mọc rực rỡ hai bên đường tượng trưng cho những thành công mà chiếc chậu nứt luôn khát khao đạt được.
  • Những luống hoa mọc rực rỡ hai bên đường tượng trưng cho vẻ đẹp hoàn hảo mà chiếc chậu nứt luôn ước mơ.
  • Những luống hoa mọc rực rỡ hai bên đường tượng trưng cho những con người hoàn hảo, không có bất kì khiếm khuyết nào.
  • Những luống hoa mọc rực rỡ hai bên đường tượng trưng cho những thành quả mà chúng ta sẽ đạt được khi biết khắc phục, tận dụng khiếm khuyết của mình.

Chi tiết sau cho thấy điều gì?

"Mặc dù cái chậu nứt chỉ mang được phân nửa nước về nhưng nó lại có thể làm cho những luống hoa bên đường trở nên tươi tốt."

  • Cái chậu nứt không bao giờ tập trung để hoàn thành nhiệm vụ chính của mình.
  • Cái chậu nứt là nhân vật giàu lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
  • Khiếm khuyết của con người có thể trở thành ưu điểm nếu bạn biết tận dụng nó trong những hoàn cảnh phù hợp.
  • Cái chậu nứt đã biết tự mình vượt lên hoàn cảnh để làm điều có ích cho đời.

Ý nào dưới đây phù hợp để nói về đặc điểm, hoàn cảnh của nhân vật chiếc chậu nứt?

  • Nhân vô thập toàn
  • Nhân bất học bất tri lí
  • Nhân chi sơ, tính bản thiện
  • Cả 3 đáp án trên đều đúng

Đâu là bài học ý nghĩa mà em nhận được sau khi đọc câu chuyện trên?

  • Hãy luôn tự tin và sống vô tư với những khiếm khuyết của mình.
  • Chỉ cần có ý chí và sự nỗ lực, nhất định thành công sẽ đến với bạn.
  • Không ai là không có khiếm khuyết nhưng chúng ta cần biết chấp nhận, tận dụng khiếm khuyết đó, biến nó trở thành một lợi thế của bản thân để vươn lên trong cuộc sống.
  • Chúng ta cần sống chan hòa, yêu thương và giúp đỡ tất cả mọi người.