Đề đọc hiểu Tiếng Việt số 8

11/17/2022 5:47:16 PM

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
RỪNG XUÂN
 “Trời xuân chỉ hơi lạnh một chút vừa đủ để giữ một vệt sương mỏng như chiếc khăn voan vắt hờ hững trên sườn đồi. Rừng hôm nay như ngày hội của màu xanh, màu xanh với nhiều sắc độ đậm nhạt, dày mỏng khác nhau. Những mầm cây bụ bẫm còn đang ở màu nâu hồng chưa đủ chất diệp lục để chuyển sang màu xanh. Những lá cời non mới thoảng một chút xanh vừa ra khỏi màu nâu vàng. Những lá sưa mỏng tang và xanh rờn như một thứ lụa xanh màu ngọc thạch với những chùm hoa nhỏ li ti và trắng như những hạt mưa bay. Những chiếc lá ngọa non to như cái quạt lọc ánh sáng xanh mờ mờ. Tất cả những sắc xanh non tơ ấy in trên nền xanh sẫm đậm đặc của những tán lá già, của những cây vải, cây dâu da, cây đa, cây chùm bao… Nhưng không phải chỉ có màu xanh mà thôi, giữa những đám lá sồi xanh, có những đám lá già còn rớt lại đỏ như những viên hồng ngọc. Lác đác trên nhiều cành, còn có những chiếc lá già đốm vàng, đốm đỏ, đốm tím và kìa ở tận cuối xa, những chùm hoa lại vàng lên chói chang như những ngọn lửa thắp sáng cả một vùng. Nắng đậm dần lên chiếu qua các tầng lá đủ màu sắc rọi xuống tạo ra một vùng ánh sáng mờ tỏ chỗ lam, chỗ hồng, có chỗ nắng chiếu vào những hạt sương tóe lên những tia ngũ sắc ngời ngời như ta nhìn qua những ống kính vạn hoa.”                                                                                                                                                                    (Ngô Quân Miện)

Phép so sánh trong câu “Trời xuân chỉ hơi lạnh một chút vừa đủ để giữ một vệt sương mỏng như chiếc khăn voan vắt hờ hững trên sườn đồi.” gợi tả vẻ đẹp gì của vệt sương? 

  • A. Phép so sánh gợi lên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của vệt sương phủ trên sườn đồi.
  • B. Phép so sánh gợi lên vẻ đẹp mềm mại, mỏng manh của vệt sương phủ trên sườn đồi
  • C. Phép so sánh gợi lên vẻ đẹp độc đáo, kì lạ của vệt sương phủ trên sườn đồi.
  • D. Cả A và C

Câu “Rừng hôm nay như ngày hội của màu xanh, màu xanh với nhiều sắc độ đậm nhạt, dày mỏng khác nhau” cho ta thấy khu rừng mùa xuân hiện lên như thế nào?

  • A. Đó là một khu rừng bao trùm trong sắc xanh thần tiên, huyền ảo của cây lá.
  • B. Đó là một khu rừng đẹp đẽ và ấm áp, tràn ngập ánh mặt trời.
  • C. Đó là khu rừng ngập tràn trong muôn ngàn sắc xanh đẹp đẽ, tươi vui, tràn đầy sức sống của cây lá giống như một ngày hội của màu xanh.
  • D. Cả A và B.

Tại sao tác giả lại viết “Rừng xuân hôm nay như ngày hội của màu xanh”? 

  • A. Bởi tất cả mọi vật trong khu rừng đều có màu xanh.
  • B. Bởi khu rừng được miêu tả với màu chủ đạo là màu xanh ở nhiều sắc độ đậm nhạt, dày mỏng khác nhau.
  • C. Bởi màu xanh là màu đẹp nhất ở khu rừng.
  • D. Cả A và B.

Tác dụng của việc sử dụng các tính từ chỉ màu xanh ở nhiều sắc độ khác nhau là:

  • Việc sử dụng các tính từ chỉ màu xanh góp phần gợi tả vẻ đẹp huyền ảo, thần tiên của khu rừng khi mùa xuân đến.
  • Việc sử dụng các tính từ chỉ màu xanh góp phần gợi tả vẻ đẹp kì vĩ, tráng lệ của khu rừng khi mùa xuân đến.
  • Việc sử dụng các tính từ chỉ màu xanh góp phần gợi tả vẻ đẹp xanh tươi, căng tràn sức sống của khu rừng khi mùa xuân đến.
  • Việc sử dụng các tính từ chỉ màu xanh góp phần gợi tả vẻ đẹp rực rỡ, lung linh tràn đầy sắc màu khi mùa xuân đến.

Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào trong câu văn: “Những lá sưa mỏng tang và xanh rờn như một thứ lụa xanh màu ngọc thạch với những chùm hoa nhỏ li ti và trắng như những hạt mưa bay.”

  • Điệp ngữ
  • Ẩn dụ
  • So sánh
  • Tất cả các phương án trên

Câu văn “Lác đác trên nhiều cành, còn có những chiếc lá già đốm vàng, đốm đỏ, đốm tím và kìa ở tận cuối xa, những chùm hoa lại vàng lên chói chang như những ngọn lửa thắp sáng cả một vùng.” cho thấy vẻ đẹp nào của khu rừng mùa xuân?

  • A. Câu văn trên cho ta thấy vẻ đẹp tươi non, tràn đầy sức sống của khu rừng mùa xuân.
  • B. Câu văn trên cho ta thấy vẻ đẹp rực rỡ, lung linh với những sắc màu tươi sáng của khu rừng mùa xuân.
  • C. Câu văn trên cho ta thấy vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi của khu rừng mùa xuân.
  • D. Cả A và C

Phép so sánh trong câu: “Nhưng không phải chỉ có màu xanh mà thôi, giữa những đám lá sồi xanh, có những đám lá già còn rớt lại đỏ như những viên hồng ngọc.” dùng để gợi tả sự vật nào?

  • Những đám lá sồi xanh
  • Những đám lá già
  • Những viên hồng ngọc
  • Tất cả những phương án trên

Tại sao khi nhìn vào những hạt sương trong khu rừng tác giả lại ngỡ như nhìn qua những ống kính vạn hoa? 

  • Vì sương nhiều và giăng mắc khắp khu rừng mùa xuân
  • Sương đang tan dần, lúc ẩn, lúc hiện trên những tán lá xanh
  • Do nắng chiếu vào những hạt sương tóe lên những tia ngũ sắc ngời ngời.
  • Tất cả những phương án trên

Em hiểu từ “đốm” trong câu văn: “Lác đác trên nhiều cành, còn có những chiếc lá già đốm vàng, đốm đỏ, đốm tím và kìa ở tận cuối xa, những chùm hoa lại vàng lên chói chang như những ngọn lửa thắp sáng cả một vùng.” như thế nào?

  • “Đốm” có nghĩa là những chấm nhỏ nổi lên trên một nền màu khác nhau
  • “Đốm” là thưa, rải rác mỗi chỗ, mỗi lần một ít
  • “Đốm” mang nghĩa là rất thưa, phân bố không đều nhau, chỗ nhiều, chỗ ít, lúc có lúc không gây cảm giác rời rạc.
  • Tất cả những đáp án trên.

Em hiểu câu văn “Những lá cời non mới thoảng một chút xanh vừa ra khỏi màu nâu vàng.” tả những chiếc lá cời non như thế nào? 

  • Câu văn tả những chiếc lá cời non mang màu xanh nhạt non tơ.
  • Câu văn gợi liên tưởng những chiếc lá cời non vừa có màu xanh vừa có màu vàng.
  • Câu văn gợi tả những chiếc lá cời non với nhiều sắc màu khác nhau: xanh non, nâu vàng.
  • Câu văn miêu tả lá cời non mang sắc xanh đậm đà mới nhú lên từ các cành cây khô gầy.