Hiểu mục đích, ý nghĩa, hàm ý của tác phẩm

11/7/2022 11:38:08 AM

Đọc bài thơ "Không đề" - Hồ Chí Minh và trả lời câu hỏi:

"Đường non khách tới hoa đầy

Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn

Việc quân việc nước đã bàn,

Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau."

Nhận định nào dưới đây đúng với bài thơ trên?

  • Bài thơ "Không đề" đã thể hiện tinh thần dũng cảm, bản lĩnh vững vàng của Bác trước mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống.
  • Bài thơ "Không đề" là món quà tinh thần vô giá mà Bác dành tặng riêng cho các cháu thiếu nhi.
  • Bài thơ "Không đề" sáng lấp lánh một tâm hồn lạc quan, yêu đời cùng tình yêu tha thiết dành cho thiếu nhi, cho người bạn thiên nhiên tri kỉ của Bác.
  • Cả A và C đều đúng.

Đọc đoạn thơ sau:

"Giôn-xơn!

Nhân danh ai

Bay mang những B.52

Những na pan, hơi độc

Đến Việt Nam

Để đốt những nhà thương, trường học

Giết những con người chỉ biết yêu thương

Giết những trẻ em chỉ biết đến trường

Giết những đồng xanh bốn mùa hoa lá

Và giết cả những dòng sông của thơ ca nhạc họa?" (Tố Hữu)

Nội dung của đoạn thơ trên là:

  • Ca ngợi sự hi sinh cao cả của chú Mo-ri-xơn vì hòa bình của nhân loại.
  • Tố cáo tội ác dã man của đế quốc Mỹ đã gây ra cho đất nước Việt Nam.
  • Ca ngợi sự trù phú của thiên nhiên Việt Nam.
  • Cả đáp án thứ nhất và thứ hai.

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Yêu biết mấy những dòng sông bát ngát

Giữa đôi bờ dào dạt lúa ngô non

Yêu biết mấy, những con đường ca hát

Qua công trường mới dựng mái nhà son!

(Mùa thu tới - Tố Hữu)

Cảm nhận nào dưới đây không đúng với đoạn thơ trên?

  • Đoạn thơ tràn ngập niềm tự hào và tình yêu tha thiết của tác giả với khung cảnh đổi mới đẹp đẽ của đất nước.
  • Hình ảnh những dòng sông bát ngát cùng đôi bờ lúa ngô dào dạt gợi tả cuộc sống ấm no, thanh bình trên đất nước ta.
  • Hình ảnh những con đường ca hát chạy qua công trường đang xây dựng, những mái nhà ngói mới cho thấy một đất nước tươi vui, một đất nước đang phát triển, đang thay da đổi thịt.
  • Qua những hình ảnh đẹp đẽ, sinh động, tác giả đã khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của ta với vùng đất, vùng trời Tổ quốc.

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: Người cha muốn nhắn nhủ với con điều gì qua đoạn thơ trên?

Hạnh phúc khó khăn hơn

Mọi điều con đã thấy

Nhưng là con giành lấy

Từ hai bàn tay con.

(Sang năm con lên bảy - Vũ Đình Minh)

  • Người cha muốn nói với con, trong cuộc đời thực, hạnh phúc không dễ dàng có được. Hạnh phúc không do người khác mang đến cho con cũng không phải nhờ phép nhiệm màu. Hạnh phúc là do chính con tạo nên bằng bàn tay và khối óc của mình.

  • Người cha muốn nhắn nhủ con phải tự lập để vững vàng trong cuộc đời.
  • Người cha muốn nhắn nhủ con phải trung thực, hạnh phúc không thể xây dựng bằng những ước muốn tham lam.
  • Cả hai đáp án đầu đều đúng.

Đọc đoạn thơ sau và cho biết:

Trái đất này là của chúng mình

Quả bóng xanh bay giữa trời xanh

Bồ câu ơi, cánh chim gù thương mến

Hải âu ơi, cánh chim vờn sóng biển

Cùng bay nào, cho trái đất quay!

Cùng bay nào, cho trái đất quay!

  (Bài ca về trái đất, Định Hải)

Đoạn thơ trên của tác giả Định Hải giúp em cảm nhận được điều gì về trái đất thân yêu?

  • Trái đất tươi xanh, tràn ngập sức sống như một quả bóng xanh đẹp đẽ và gần gũi với tuổi thơ.
  • Trái đất giống như một ngôi nhà hạnh phúc của muôn loài với tiếng chim bồ câu gọi nhau đầy thương mến.
  • Trái đất đẹp đẽ, thanh bình và nên thơ với hình ảnh cánh chim hải âu bay đùa nghịch trên sóng biển.
  • Cả ba đáp án trên đều đúng.

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

BÍ QUYẾT TRỒNG NHO

Có một bác nông dân ốm rất nặng, trước khi qua đời bác muốn đem những bí quyết trồng trọt truyền lại cho các con nhưng thấy chúng lười biếng nên bác đã nghĩ ra một cách. Bác gọi các con đến bên giường và dặn dò: "Bố ốm nặng lắm, chắc sẽ không qua khỏi. Các con hãy cố gắng đào hũ vàng bố cất giấu dưới vườn nho đấy." Sau khi bác nông dân qua đời, các con của ông liền bảo nhau xới tung khu vườn lên để tìm kiếm hũ vàng nhưng tìm mãi, tìm mãi chẳng được nên họ đành bàn nhau trồng lại nho. Đến mùa thu hoạch, họ hái được một lượng nho lớn hơn nhiều những năm trước. Các con của bác nông dân lúc ấy mới hiểu, đây chính là bí quyết trồng trọt mà người bố muốn truyền lại cho mình. (Sưu tầm)

Câu chuyện trên muốn nhắn nhủ đến chúng ta điều gì ?

  • Đoàn kết chính là sức mạnh giúp chúng ta chinh phục mọi khó khăn để đạt được thành công trong cuộc sống.
  • Mọi của cải đều do lao động mà có, chăm chỉ làm việc sẽ đem đến cho bạn những thành quả xứng đáng.
  • Hãy luôn yêu thương và chăm sóc cha mẹ khi bạn còn có thể.
  • Cả ba đáp án trên.

Đọc văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi:

BÀI HỌC RÙA VÀ THỎ

Truyện ngụ ngôn “Rùa và Thỏ” chắc hẳn đã rất quen thuộc với chúng ta. Ở cuộc đua thứ nhất, thỏ vì chủ quan nên đã thua cuộc còn rùa kiên trì và bền bỉ nên giành chiến thắng. Câu chuyện chưa dừng lại ở đó và được được Roberto Goizueta, Giám đốc Điều hành của Coca Cola trong những năm 1980 phát triển thêm.

Sau cuộc đua thứ nhất, thỏ nhận ra rằng nó thua vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỉ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng thì rùa không thể nào có cửa hạ nó được. Vì thế, nó thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý. Ở cuộc đua thứ 2, thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy liền một mạch về đích. Nó bỏ xa rùa đến mấy dặm đường. 

Rùa đã suy ngẫm kết quả và nhận ra rằng: nó không có cách nào để thắng được thỏ trên một đường đua như vậy. Nó suy nghĩ thêm và quyết định thách đố thỏ trong một cuộc đua khác, nhưng có chút thay đổi về đường đua. Thỏ đồng ý, rồi cả hai bắt đầu cuộc đua thứ ba. Như đã tự hứa với lòng mình là phải luôn nhanh, thỏ bắt đầu chạy và chạy với tốc độ cao nhất cho tới bờ sông. Vạch đích còn đến 2km ở tận bên kia sông. Thỏ đành ngồi xuống và tự hỏi không biết phải làm sao để vượt sông. Trong lúc đó, rùa đã tới bên bờ sông, lội xuống sông và bơi sang bên kia sông, tiếp tục bò về đích.

Câu chuyện vẫn chưa dừng lại. 

Đến đây, thỏ và rùa đã trở thành đôi bạn thân thiết và họ cùng nhau suy ngẫm. Cả hai nhận ra rằng cuộc đua sau cùng có lẽ sẽ có kết quả tốt hơn. Vì thế, chúng quyết định tổ chức một cuộc đua cuối cùng, nhưng chúng sẽ cùng chạy chung một đội. Cuộc đua bắt đầu, thỏ cõng rùa chạy đến bên bờ sông, rùa lội xuống sông và cõng thỏ bơi qua bên kia bờ sông. Lên đến bờ, thỏ lại cõng rùa đưa cả hai cùng về đích. Và chúng cùng nhận ra rằng đã về đích sớm hơn rất nhiều so với các lần đua trước.

(Sưu tầm)

Dòng nào dưới đây nhận xét không đúng về Rùa và Thỏ?

  • Cả thỏ và rùa đều không dễ đầu hàng hay nản chí sau thất bại.
  • Thỏ quyết tâm và cố gắng nhiều hơn sau khi phải thất bại cay đắng.
  • Rùa phải thay đổi chiến lược vì nó đã cố gắng hết sức mà chưa thành công.
  • Rùa và thỏ là những con vật dễ bỏ cuộc.

Dòng nào dưới đây nêu đúng sự thay đổi trong cuộc đua cuối cùng của rùa và thỏ so với các cuộc đua trước?

  • Cuộc đua có sự thay đổi về đường đua.
  • Cuộc đua có sự thay đổi về số người tham gia cuộc đua.
  • Cuộc đua có sự thay đổi, thay vì là đối thủ của nhau, rùa và thỏ giờ đã trở thành một đội.
  • Cả ba đáp án trên.

Qua chiến thắng của rùa ở lần đua thứ 3, chúng ta rút ra bài học gì?

  • Muốn chiến thắng phải nỗ lực hết mình.
  • Muốn chiến thắng cần phải xác định được ưu thế của mình và biết chọn sân chơi phù hợp.
  • Muốn chiến thắng cần phải biết chớp lấy thời cơ.
  • Cả ba đáp án trên.

Câu tục ngữ nào dưới đây phù hợp để miêu tả tinh thần không nản lòng khi gặp khó khăn trở ngại của rùa?

  • Đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết.
  • Thua keo này bày keo khác.
  • Thật thà là cha quỷ quái.
  • Cả ba đáp án trên.

Chi tiết rùa thay đổi đường đua cho thấy điều gì?

  • Rùa hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình và đối thủ.
  • Rùa rất thông minh.
  • Rùa rất ngưỡng mộ tài năng của thỏ.
  • Cả hai đáp án đầu đều đúng.

Điều gì đã giúp thỏ chiến thắng ở cuộc đua thứ hai?

  • Lòng tốt và vị tha
  • Sự nhanh nhẹn và nỗ lực
  • Lòng dũng cảm và may mắn
  • Lòng trung thực và thẳng thắn

Câu tục ngữ nào dưới đây phù hợp để nói về rùa và thỏ ở chặng đua cuối cùng?

  • Dù ai nói ngả nói nghiêng

    Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.

  • Có chí thì nên.
  • Một cây làm chẳng nên non

    Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

  • Chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo.

Trái nghĩa với từ “thắng” trong truyện trên là?

  • Thua
  • Nhanh
  • Hạ
  • Cả ba đáp án trên
Em hiểu từ “Bất cẩn” thế nào?
  • Không quan tâm đến mọi người.
  • Không yên tâm, tin tưởng vào người khác.
  • Không cẩn thận, vô ý.
  • Không tôn trọng người đối diện.

Qua cuộc đua cuối cùng của rùa và thỏ, tác giả muốn nhắn nhủ với chúng ta điều gì?

  • Cần phải có ý chí vươn lên, vượt qua mọi thử thách của cuộc sống.
  • Cần phải tin tưởng vào mọi người xung quanh.
  • Cần phải quan tâm và giúp đỡ mọi người xung quanh.
  • Trong một tổ chức, cần phải đoàn kết để phát huy thế mạnh và khắc phục điểm yếu riêng của từng người.