Bài viết này sẽ giúp các em học sinh và các bậc phụ huynh hiểu về 2 hệ trường chuyên tại Hà Nội và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 chuyên của mỗi hệ.
1. Tổng quan về hệ thống các trường chuyên THPT tại Hà Nội
Hệ thống trường THPT chuyên ở Việt Nam bao gồm 2 hệ: các trường chuyên trực thuộc đại học (trước đây là các trường chuyên cấp quốc gia) và các trường chuyên của tỉnh/thành phố. Hai hệ thống có một số khác biệt:
- Phạm vi tuyển sinh:
- Các trường chuyên thuộc đại học: tuyển sinh trong cả nước.
- Các trường chuyên của tỉnh/thành phố: chỉ tuyển sinh trong nội hạt tỉnh/ thành phố đó (trừ một số trường hợp cá biệt)
- Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia:
- Các trường chuyên thuộc đại học: trực tiếp tham gia kì thi HSG Quốc gia như một tỉnh/thành phố
- Các trường chuyên tỉnh/thành phố: phải tham gia kì thi HSG cấp tỉnh/thành phố, thường là với các trường chuyên khác và trường THPT hệ thông thường trong tỉnh/thành phố
Danh sách các trường chuyên tại Hà Nội của từng hệ:
- 04 trường chuyên thuộc các trường Đại học tại Hà Nội:
- Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội (Địa chỉ: Nhà D – 136 Xuân Thuỷ – Cầu Giấy – Hà Nội): Trường Trung học Phổ thông Chuyên, Đại học Sư phạm Hà Nội, thường gọi là Phổ thông Chuyên Sư phạm hay Chuyên Sư phạm, là một trường chuyên công lập chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hà Nội, Việt Nam, trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Được thành lập vào năm 1966, ban đầu, mục tiêu của Trường là bồi dưỡng những học sinh Việt Nam xuất sắc về toán học. Sau một số đợt mở rộng quy mô, Trường hiện là cơ sở đào tạo đa lĩnh vực dành cho các học sinh có năng khiếu về: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Văn học và tiếng Anh.
- Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (Địa chỉ: 182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội): Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội là hệ đào tạo trung học phổ thông của trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.
- Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (Địa chỉ: Trong khuôn viên Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQG HN, Đường Phạm Văn Đồng, Quận Cầu Giấy): Đây là trường trung học phổ thông duy nhất ở Việt Nam cho đến nay chuyên giảng dạy các môn ngoại ngữ.
- Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (Địa chỉ: số 336 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đây là trường THPT thứ 4 thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường được thành lập vào năm 2019, có 3 khối chuyên là Khối chuyên Ngữ Văn, Khối chuyên Lịch Sử và Khối chuyên Địa Lý.
- 04 trường chuyên trực thuộc Thành phố Hà Nội:
- Trường THPT Hà Nội - Amsterdam (quận Cầu Giấy): Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam hay còn được gọi đơn giản là trường Ams là một trường trung học phổ thông công lập của thành phố Hà Nội được thành lập vào năm 1985. Ngày nay, trường là một trong số các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở nổi tiếng nhất thành phố Hà Nội và được nhiều nguồn tin đánh giá là một trong số các trường trung học có chất lượng giáo dục cao nhất Việt Nam.
- Trường THPT Nguyễn Huệ (quận Hà Đông): Chuyên Nguyễn Huệ là mô hình trường chuyên đạt chuẩn quốc gia với đầy đủ 11 hệ chuyên. Đó là chuyên Toán, Lý, Hoá, Sinh, Tin, Văn, Sử, Địa, Anh, Pháp, Nga. Đây cũng là một trong những trường THPT hiện đại nhất HN hiện nay sau khi được xây mới lại hồi tháng 4/2013 trên diện tích 5,6 ha.
- Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ): Trường Trung học phổ thông Quốc gia Chu Văn An là một trường trung học phổ thông công lập ở Hà Nội. Được thành lập từ năm 1908, cho đến nay Chu Văn An là một trong những trường phổ thông lâu đời và có truyền thống nhất của nền giáo dục Việt Nam. Từ năm học 2017-2018, THPT Chu Văn An triển khai chương trình dạy song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level).
- Trường THPT Sơn Tây (thị xã Sơn Tây): Trường Trung học phổ thông Sơn Tây là một trường trung học phổ thông công lập của thị xã Sơn Tây trực thuộc thành phố Hà Nội. Được thành lập vào năm 1959, trường nằm ở Số 452 Đường Nguyễn Văn Linh, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây.
[%Included.Dangky%]
[%Included.TaiDeThiVao10AnhChuyen%]
2. Những điều cần biết về phương thức tuyển sinh vào 10 các trường chuyên tại Hà Nội
2.1. Phương thức tuyển sinh của 4 trường THPT chuyên trực thuộc TP Hà Nội
Với phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT của các trường chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội được áp dụng các năm qua, thí sinh chuyên phải trải qua 2 vòng tuyển sinh.
Điều kiện dự tuyển: Học sinh cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Học sinh hoặc cha (mẹ) học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. (Lưu ý: Học sinh các tỉnh phía bắc từ Thanh Hoá trở ra có kết quả học tập năm học lớp 9 THCS xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt và đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh được đăng ký dự tuyển vào lóp chuyên Trường THPT Chu Văn An.)
- Xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp cấp THCS từ khá trở lên;
- Xếp loại tốt nghiệp THCS từ khá trở lên.
Đăng ký nguyện vọng: Mỗi học sinh có thể đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên của hai trong bốn trường: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây.
- Học sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào cùng một môn chuyên của hai trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên là trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2.
- Học sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào các môn chuyên khác nhau của hai trường với điều kiện buổi thi của các môn chuyên đó không trùng nhau.
Phương thức tuyển sinh:
- Vòng 1 là tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ dự tuyển hợp lệ. Các trường chuyên chọn vào vòng 2 những học sinh đạt điểm sơ tuyển từ 10,0 điểm trở lên.
Điểm sơ tuyển = Điểm thi học sinh giỏi, tài năng + Điểm xếp loại học lực 4 năm cấp THCS + Điểm kết quả tốt nghiệp THCS
-
-
Kết quả dự thi chọn học sinh giỏi, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của tỉnh, Thành phố, toàn quốc, khu vực một số nước, quốc tế; điểm cho mỗi giải được tính như sau: Giải nhất được 5,0 điểm, giải nhì được 4,0 điểm, giải ba được 3,0 điểm, giải khuyến khích được 2,0 điểm.
-
Kết quả xếp loại học lực 4 năm cấp THCS: Mỗi năm xếp loại học lực giỏi được 3,0 điểm, học lực khá được 2,0 điểm.
-
Kết quả tốt nghiệp THCS: Tốt nghiệp loại giỏi được 3,0 điểm, loại khá được 2,0 điểm.
- Vòng 2 là tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển vòng 1
Điểm xét tuyển (ĐXT) = Tổng điểm các bài thi không chuyên (hệ số 1) + Điểm bài thi chuyên (hệ số 2)
-
-
Đề thi môn chuyên: Đề thi được áp dụng hình thức tự luận. Riêng môn Ngoại ngữ (thi vào các lớp chuyên Ngoại ngữ) được áp dụng kết hợp giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan để đánh giá các kỹ năng nghe, đọc, viết.
-
Phạm vi nội dung đề thi: chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS, đảm bảo các cấp độ nhận thức: thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.
- Nguyên tắc xét tuyển: Các trường chuyên sẽ tuyển những thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, lấy theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu. Chỉ xét tuyển đối với học sinh có đủ bài thi theo quy định, không vi phạm Quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi, các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2,0.
- Hết thời hạn nhập học dành cho các học sinh đã được báo trúng tuyển, nếu trường nào tuyển còn thiếu so với chỉ tiêu giao, sẽ được hạ điểm xét tuyển để tuyển bổ sung học sinh cho đủ chỉ tiêu.
2.2. Phương thức tuyển sinh của 4 trường THPT chuyên trực thuộc các trường Đại học ở Hà Nội
Từng trường THPT chuyên thuộc một trường ĐH tự tổ chức kì thi tuyển sinh riêng hàng năm. Môn thi thông thường là Toán, Văn và môn chuyên, trong đó môn chuyên có điểm hệ số 2.
Chi tiết phương thức tuyển sinh và lịch tuyển sinh của từng trường được cập nhật tại bài viết sau:
👉 Thông tin tuyển sinh vào lớp 10 các trường chuyên tại Hà Nội năm học 2023
Trên đây là những nội dung cơ bản về kì thi chuyên vào lớp 10 các trường THPT ở Hà Nội. Hy vọng thông tin trên hữu ích với các bậc phụ huynh và học sinh trong quá trình ôn thi vào 10 chuyên.
[%Included.Lotrinhvao10chuyenAnhbutton%]
[%Included.TAK12%]
[%Included.Vao10ChuyenAnh%]