Có nên học, có nên thi vào trường chuyên?

Rất nhiều phụ huynh và các em học sinh chia sẻ nỗi băn khoăn về việc nên hay không nên học trường chuyên, với sức mình liệu có nên đăng kí thi chuyên không? Qua những thông tin dưới đây, các vị phụ huynh và các em học sinh có thể tìm thấy câu trả lời.

1. Tổng quan về mô hình trường chuyên tại Việt Nam

Hệ thống trường trung học phổ thông chuyên tại Việt Nam được lập ra từ năm 1966. Bắt đầu với những lớp chuyên Toán tại các trường đại học lớn về khoa học cơ bản, sau đó các trường chuyên được thiết lập rộng rãi tại tất cả các tỉnh thành. Mục đích ban đầu của hệ thống trường chuyên là nơi phát triển các tài năng đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học cơ bản.

Tại Việt Nam, tất cả các tỉnh thành hiện nay đều đã có trường chuyên. Nếu năm học 2009 - 2010, cả nước có 68 trường chuyên (64 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 04 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học), 07 khối chuyên thì đến năm học 2019 - 2020, hệ thống trường chuyên gồm: 77 trường chuyên (71 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 06 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học) và 11 khối chuyên.

Tuy nhiên, cùng với sự mở rộng của hệ thống trường chuyên và việc Việt Nam tham dự các kì Olympic khoa học quốc tế "hào hứng" hơn, mục tiêu ban đầu của hệ thống này ngày càng phai nhạt. Một số ý kiến cho rằng, trường chuyên giờ đây chẳng khác nào "lò luyện gà nòi" và thậm chí có người bày tỏ quan điểm: nên dẹp bỏ trường chuyên!

Thay vì sa đà vào tranh cãi trên, trong bài viết này, TAK12 sẽ tổng hợp những chia sẻ chân thực từ chính người trong cuộc: các thầy/cô giáo dạy chuyên, phụ huynh có con học chuyên và bản thân các bạn học sinh đã và đang học chuyên. Các góc nhìn này sẽ giúp bạn nhìn nhận thật kỹ và tìm ra cho mình câu trả lời cho câu hỏi: Thi vào trường chuyên có khó không? Có nên học và thi trường chuyên?

2. Học trường chuyên có lợi gì?

2.1. Trường chuyên giúp học sinh học tập chủ động, hứng thú, mài giũa tư duy

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy, giảng viên cao cấp khoa ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội, là một Amser (học sinh Trường THPT Hà Nội Amsterdam). Theo cô Thùy, việc "chịu nhiệt" tốt là điểm chung của những học sinh học trong một môi trường có áp lực nhưng quan trọng hơn là trường chuyên giúp học sinh tạo ra được hứng thú

"Thời tôi đi học, không có sách cho riêng hệ chuyên, những cái mới mẻ chúng tôi được tiếp cận đều do thầy photo từ nhiều nguồn, chuyển cho học sinh tham khảo rồi thầy trò phân tích. Chúng tôi cũng được tự do trao đổi ý kiến cá nhân. Có lẽ đó là thứ mang lại hứng thú và cũng hình thành cho chúng tôi thói quen độc lập suy nghĩ, khả năng thuyết phục, phản biện".

2.2. Trường chuyên giúp học sinh rèn luyện bản lĩnh trong môi trường cạnh tranh tích cực

TS Đặng Trường Minh, nghiên cứu viên ở phòng thí nghiệm miễn dịch học và độc tố học chuyên thử nghiệm các sản phẩm dược phẩm tại Hamburg (Đức), từng học chuyên Sinh. Điều anh tâm đắc nhất ở trường chuyên là "môi trường cạnh tranh tích cực, khó có thể xao nhãng nên ít chệch hướng". Tỉ lệ học sinh chuyên thành công cao, kể cả những người không theo đuổi lĩnh vực chuyên mà họ đã học, một phần cũng nhờ có được những kỹ năng, phẩm chất được rèn luyện trong môi trường cạnh tranh cao.

2.3. Các hoạt động ngoại khóa của trường chuyên ngày càng sôi động

Có lẽ đã qua rồi cái thời mà học sinh chuyên luôn gắn liền với hình tượng "mọt sách, chỉ biết học, đầu to mắt cận"... Nếu suy nghĩ học sinh trường chuyên chỉ biết học mà thôi khiến bạn lo lắng về định hướng học chuyên của con mình thì đã đến lúc thay đổi.

Theo báo cáo “Trường chuyên dưới góc nhìn của học sinh chuyên” của cựu học sinh 12 Anh 2 Hà Nội Amsterdam Đỗ Quyên tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Vietnam Educamp 2020 diễn ra vào cuối tháng 11/2020 ở Hà Nội: "Học sinh trong các ngôi trường này, ngoài công việc học tập còn được tạo điều kiện để tham gia các hoạt động ngoại khóa như các Câu lạc bộ, các chương trình nghệ thuật để phát triển các kĩ năng mềm và khám phá tiềm năng của bản thân. Nói như vậy không có nghĩa phủ nhận khả năng phát triển các kĩ năng và cơ hội tương tự cho học sinh của các trường THPT công lập thường. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mức độ quan tâm và phong trào tại các trường trên hầu như không thể cạnh tranh với các trường THPT năng khiếu, vốn là nơi khởi nguồn cho phương pháp giáo dục mới hướng tới sự năng động và toàn diện của học sinh".

Bạn có thể kiểm chứng điều này bằng việc nhìn vào danh sách dài các CLB và hoạt động ngoại khóa của trường Chuyên ngoại ngữ hay tìm hiểu thông tin về sự kiện "Ngày hội anh tài" của học sinh Ams.

Có nên học trường chuyên và có nên thi vào trường chuyên?
Một màn trình diễn trong Ngày hội anh tài Ams 2020 (Ảnh: website trường)

2.4. Trường chuyên giúp hiện thực hóa ước mơ du học 

Chị Vũ Ngọc Hân, người có ba con học ba trường chuyên tại Hà Nội, chia sẻ:

"Năm 2003, khi con của anh tôi đỗ trường chuyên, tôi đã tự đặt cho mình câu hỏi: "Vào trường chuyên để làm gì nhỉ? Thi quốc tế thì không đủ tầm, đi tây thì đã hết thời". Thi quốc tế và "đi tây" là hai trong ba mục tiêu học sinh hướng tới khi thi vào trường chuyên thời bao cấp. Mục tiêu thứ ba là vào đại học ngành "hot".

Khi con tôi chuẩn bị vào THPT, tôi đã thay đổi quan điểm. Cứ cho là không đi thi quốc tế, không "đi tây", nhưng trường chuyên là nơi có môi trường giáo dục tốt nhất của thành phố, của cả nước, sao lại không vào?

Sau khi cháu vào học trường chuyên, tôi còn vỡ ra nhiều điều - trường chuyên không chỉ có thầy tốt, trò giỏi! Khi đó cháu đỗ chuyên Anh của cả ba trường đầu bảng của Hà Nội. Tôi khuyên cháu vào THPT chuyên Ngoại ngữ cho gần nhà. Thực ra trong thâm tâm tôi biết trường Hà Nội - Amsterdam có trào lưu du học và sợ rằng vào đó cháu có thể "đòi" cha mẹ cho du học. Khi đó, tôi sẽ rất khó nghĩ vì gia đình không có nhiều tiền.

Nhưng chỉ sau một tháng đi học ở Chuyên Ngữ, cháu nói với bố mẹ có nguyện vọng du học. "Con sẽ xin học bổng", cháu nói. Nếu chỉ nói du học thì có thể cho rằng cháu đua đòi các bạn. Nhưng du học bằng học bổng là câu chuyện hoàn toàn khác, một ước mơ cần được ủng hộ.

Tôi cho cháu biết số tiền gia đình có thể hỗ trợ (khá thấp), phần còn lại cháu phải phấn đấu để được nhà trường hỗ trợ. Cháu vui vẻ đồng ý. Sau hơn hai năm phấn đấu, cháu và gia đình đã đạt được ước mơ. Ngay vòng xét tuyển sớm, cháu được nhận vào trường hàng đầu của Mỹ với mức chi phí gia đình chấp nhận được.

Quyết tâm của con đã tạo động lực cho cả nhà. Tôi đã cân nhắc các phương án và nhận thấy nếu cuộc sống không có biến động lớn, gia đình tôi có thể cho cả ba con du học. Vì vậy, không chỉ vui vì xin được học bổng, chúng tôi vui vì nhìn thấy một hướng đi mà trước đó hoàn toàn không dám mơ đến.

Môi trường gồm các học sinh có năng lực sẽ là nơi sản sinh và nuôi dưỡng những ước mơ cao xa nhưng không hề viển vông. Ước mơ sẽ tạo động lực để phấn đấu, để thành công. Đây là sự khác biệt lớn của trường chuyên với trường thường."

 

Với những phụ huynh cảm thấy bị thuyết phục bởi môi trường học tập cũng như cơ hội phát triển của con mình ở trường chuyên, câu hỏi cốt lõi được đặt ra bây giờ trở thành: Ai nên học chuyên? TAK12 xin trích dẫn chia sẻ của cô Phạm Nha Trang, giảng viên Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Có nên cố sức thi vào chuyên?

Đỗ vào trường chuyên là kết quả của 2 yếu tố: tố chất + nỗ lực. Tố chất là bẩm sinh, nên các gia đình cần đầu tư vào phần nỗ lực. Bố mẹ nỗ lực tìm thầy giỏi, đưa đón. Con nỗ lực làm bài tập, luyện đề.

3.1. Không nên chọn học chuyên nếu sức học ở mức đuối so với lớp chuyên

Nếu sức học của con ở mức đuối so với lớp chuyên, con sẽ luôn phải bướt bả học thêm để theo được chương trình.

Cô giáo Phạm Nha Trang từng có một bài chia sẻ về chủ đề này trên Facebook, và được rất nhiều phụ huynh đồng tình:

"Ở trường mình (ĐH), lớp CLC quy tụ 10% sinh viên ưu tú nhất khoá, điểm đầu vào cao nhất nhì cả nước (khối D). Chương trình và phương pháp dạy của giáo viên ở lớp này khác hẳn lớp thường. Với thời lượng học như nhau, lớp thường học cơ bản, hệ CLC học cả cơ bản cả nâng cao. Khi dạy lớp thường, giáo viên giải thích kỹ, 1 vấn đề nhắc đi nhắc lại. Khi dạy CLC, giáo viên dạy lướt phần cơ bản, và gợi mở phần nâng cao. Ở lớp CLC, mình chỉ giảng lý thuyết 1 lần, nhưng phần lớn sinh viên hiểu. Đặc biệt hơn, nhiều bạn học 1 hiểu 10. Ở trình độ đại học, ít có nơi học thêm, nên điều này là do SV có khả năng tự nghiên cứu + lòng ham mê học hỏi.

Nhiều ý kiến nói rằng: ở Ams giáo viên dạy ít lắm, thi thì khó. Mình nghĩ điều này là do chương trình và yêu cầu chung đối với lớp chuyên, cũng như tâm lý mặc định của giáo viên: học sinh giỏi, thông minh, dạy thế thôi là các con sẽ làm được bài thi khó. Vậy 1 học sinh có tố chất trung bình, do cày cuốc ôn thi luyện kỹ lưỡng mà đỗ trường chuyên, khi phải học cùng với các bạn thông minh học 1 hiểu 10, giáo viên dạy nhanh, yêu cầu cao thì chắc chắn chuỗi ngày cày cuốc của con sẽ không bao giờ kết thúc; con vẫn tiếp tục phải chạy sô các lớp học thêm, thức đêm thức hôm để giải quyết hết bài tập.

Mọi người sẽ bảo: học sinh nào chả đi học thêm?!. Đúng, nhưng mục đích học thêm của các bạn khác nhau. Những bạn top trên học thêm để đứng đầu, đấu các giải, săn học bổng du học, đích đến là Ivy. Ngược lại, những bạn top dưới học thêm, thậm chí học gấp đôi để…..đuổi theo các bạn top trên. Rồi một ngày con sẽ đuối, mệt, nản. Trong môi trường chuyên, có những người luôn dẫn đầu, và có những người dù có cố đến đâu cũng không bao giờ vươn lên nổi mức giữa.

Trong môi trường ra hành lang đụng giải quốc gia, vào nhà xe đụng giải quốc tế như nhiều trường chuyên, thì việc học cùng các bạn đó sẽ là gánh nặng cho các bạn tố chất trung bình. Ai cũng nghĩ vào chuyên, con sẽ được học thầy cô giáo giỏi, sẽ có phong trào, sẽ học tập được từ bạn giỏi. Nhưng liệu con có hiểu hết nổi kiến thức thầy cô giáo truyền thụ nếu thày cô dạy 1 cách chóng vánh như mình kể trên? Và liệu con có thể ngẩng cao đầu với bạn khi bạn mất 10p giải được bài khó mà con mất tận 1 tiếng? Trong 1 môi trường các con ganh đua nhau quyết liệt, khi bạn giỏi luôn đứng đầu, con phải cố gắng gấp đôi bạn, mà vẫn đứng cuối, thì tuổi thơ của con sẽ là 1 chuỗi ngày chỉ có học và học, ám ảnh bài tập, mặc cảm yếu kém; và tất nhiên, sẽ không còn thời gian để rèn luyện các kỹ năng cần thiết khác cho cuộc sống.

Vì thế, mình cho rằng trường CLC là dành cho các bạn có tố chất tốt, như đúng tên gọi của nó: “for gifted pupils”. Nếu con bạn học không xuất sắc đến thế, đừng cố, khổ con và khổ bố mẹ. Nếu con bạn phải học 1 ngày 8 ~9 tiếng, không còn thời gian tập thể thao hay giải trí, thì có nghĩa là con không thích hợp với trường chuyên lớp chọn. Thay vào đó, hãy cho con rèn luyện những gì con mạnh nhất.".

3.2. Không nên chọn vào chuyên nếu cái giá phải trả cho việc ôn thi quá đắt

Dù đã xác định là có mong muốn được vào học chuyên, thì vấn đề mang tính quyết định mà phụ huynh lẫn học sinh cần đặc biệt quan tâm chính là khả năng thi vào chuyên và cái giá phải trả cho việc ôn thi.

Thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy, trong năm học 2019 - 2020, khoảng 60% học sinh sẽ được tuyển sinh vào các trường công lập, 20% học sinh tuyển sinh vào các trường dân lập (tư thục); 10% học sinh tuyển sinh vào khối trung tâm giáo dục thường xuyên và 10% còn lại sẽ vào các trường nghề. Và trong số 60% khối trường công lập đó, chỉ có một phần tỉ lệ rất nhỏ dành các trường THPT chuyên. Bởi vậy, thi vào chuyên, tỉ lệ chọi cao là điều đương nhiên và áp lực sinh ra là không thể tránh khỏi.

3.2.2. Đừng bắt con phải cố ôn thi nếu sức con không đủ

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, tác giả cuốn sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" chia sẻ câu chuyện một người bạn:

Có một cô bạn tôi tâm sự: “Hồi nhỏ, em không đỗ chuyên toán, cũng do hồi đó bố mẹ em là công nhân, không đủ điều kiện cho em đi học thêm như các bạn trong khu tập thể nên cấp 2 em chỉ được học trường làng, không được học chuyên toán và cấp 3 thi cũng thiếu nhiều điểm. Nên giờ em quyết “phục thù” đầu tư cho con ôn chuyên từ nhỏ”.


Nhưng đáng tiếc, con trai bạn đó chỉ là một học sinh bình thường trong lớp từ tiểu học cho đến cấp 2, chưa bao giờ cháu được các cô chủ nhiệm đánh giá cao khả năng làm toán nổi trội trong lớp, chưa bao giờ là “cây toán” của trường và không được đi thi học sinh giỏi bao giờ.

Vấn đề là mẹ thích, chứ không phải con thích. Và tôi chứng kiến cháu bé đó được mẹ cho theo học rất nhiều trung tâm luyện toán nổi tiếng của Hà Nội, học rất nhiều thầy cô luyện chuyên nhưng mùa thi vào trường THCS Hà Nội – Amsterdam năm ấy, cháu bé cũng chỉ được 3,5 điểm toán và điểm tiếng Việt cũng không đủ "cõng" điểm toán nên con bị trượt Ams2.

Nhưng cô bạn tôi vẫn không lùi bước, cấp 2, cô sắp xếp con vào lớp toán của một trường nổi tiếng Hà Nội, cậu bé vẫn chỉ là một học sinh bình thường trong lớp, thậm chí lên lớp 8, 9 còn "đuối". Cô bạn tôi vẫn cho rằng, ôn luyện vẫn có thể đỗ được chuyên toán cấp 3 nên cho con học thêm. Nhưng mùa thi vào 10 năm đó, con vẫn trượt chuyên và cũng chỉ đỗ 1 trường cấp 3 bình thường".

Hơn nữa, trong trường hợp con có khả năng, tố chất nhưng chỉ ở môn chuyên, việc xác định thi chuyên cũng nên cân nhắc kỹ. Bởi muốn thi đỗ vào 10 các trường top đầu, buộc con bạn phải học đều các môn. Chỉ cần có 1 môn ở mức điểm 5-6 là rất khó đỗ, bởi môn mà con mạnh nhất cũng khó đạt ở mức 9-10 để bù lại.

3.2.3. Đừng tính thi vào trường chuyên nếu cha mẹ không thể sâu sát đồng hành

Với các gia đình đã kiên định mục tiêu cho con học trường chuyên, việc vạch ra lộ trình ôn luyện hợp lý và bền bỉ đồng hành của cha mẹ đóng vai trò rất lớn.

Bắt đầu từ việc hiểu rõ năng lực, sở thích của con tới đâu, phụ huynh có thể giúp con đưa ra định hướng chọn trường rõ ràng và phù hợp. Tiếp đó sẽ là hành trình dài hơi khi cha mẹ cùng con xác định phương pháp học tập, tìm thầy/cô dạy thêm, tìm lớp học thêm hiệu quả, tìm chương trình ôn luyện online như TAK12 để bổ trợ, kịp thời nắm bắt những thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì, động viên tinh thần con khi cần thiết...

[%Included.Dangky%]

Chưa kể, phụ huynh còn phải tìm cách sắp xếp công việc sao cho hợp lý để đảm bảo thời gian đưa đón con đi học/luyện thi nếu con không đủ sức để tự tin chỉ cần tự học thêm tại nhà kết hợp với thi thử, đánh giá online là đủ. Một vấn đề không kém phần quan trọng nữa là chuẩn bị tài chính cho việc ôn luyện của con. 

Tất cả những việc trên đòi hỏi ở phụ huynh sự kiên nhẫn, sự thấu hiểu dành cho con mình. Nếu các bố mẹ thực sự quá bận rộn với công việc, không đủ điều kiện kinh tế hay tâm lý đồng hành với con, sẽ cần cân nhắc kỹ quyết định có nên để con ôn thi chuyên hay không.

Với các bạn mong muốn học chuyên Anh cấp 3, những thông tin sau sẽ có ích cho cha mẹ đồng hành:

Như vậy, bài viết chắc hẳn đã giúp các bậc phụ huynh đã có câu trả lời cho câu hỏi "Có nên cho con học trường chuyên". Hy vọng thông tin trên hữu ích với các bậc phụ huynh trong quá trình đồng hành cùng con ôn thi vào lớp 10, đặc biệt là vào các trường chuyên.

[%Included.TAK12%]

[%Included.Vao10ChuyenAnh%]